Chăm Sóc Người Bệnh Toàn Diện

1215 Lượt xem

CSNBTD là sự theo dõi và chăm sóc người bệnh của bác sĩ, điều dưỡng và người thân trong suốt thời gian bệnh nhằm đảm bảo chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh. CSNBTD là sự chăm sóc của người hành nghề và gia đình người bệnh lấy người bệnh làm trung tâm, đáp ứng các nhu cầu điều trị, sinh hoạt hàng ngày nhằm bảo đảm an toàn, chất lượng và hài lòng của người bệnh. 

Nhu cầu cơ bản mỗi cá nhân đều có 14 nhu cầu cơ bản, khi chăm sóc người bệnh, người người chăm sóc cần cần đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người bệnh, bao gồm:

  • Hít thở bình thường;
  • Ăn, uống đầy đủ;
  • Bài tiết bình thường;
  • Di chuyển và duy trì tư thế mong muốn;
  • Giấc ngủ và nghỉ ngơi;
  • Chọn quần áo, trang phục thích hợp, thay và mặc quần áo;
  • Duy trì nhiệt độ cơ thể trong phạm vi bình thường bằng cách điều chỉnh quần áo và môi trường;
  • Giữ cơ thể sạch và bảo vệ da;
  • Tránh nguy hiểm trong môi trường và tránh làm tổn thương người khác;
  • Giao tiếp với người khác thể hiện được các cảm xúc, nhu cầu, sợ hãi;
  • Niềm tin về tôn giáo hoặc một người nào đó;
  • Tự làm một việc gì đó và cố gắng hoàn thành;
  • Chơi và tham gia một hình thức vui chơi giải trí nào đó;
  • Tìm hiểu, khám phá hoặc thỏa mãn sự tò mò cá nhân để phát triển và có sức khỏe bình thường. 

Ngoài ra người chăm sóc cần đưa ra những hành động chăm sóc để thỏa mãn nhu cầu chăm sóc của người bệnh/khách hàng của họ và những hành động chăm sóc này phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Mặt khác, người chăm sóc cần nhận định mức độ hạn chế tự chăm sóc của người bệnh để phát hiện nhu cầu chăm sóc của họ mà đáp ứng, phụ vụ. Tùy thuộc vào mức độ hạn chế tự chăm sóc, người bệnh được xếp vào 1 trong 3 cấp độ phụ thuộc vào sự chăm sóc, bao gồm: phụ thuộc hoàn toàn, phụ thuộc một phần và không phụ thuộc (tự chăm sóc được).

Nhân viên chăm sóc cần hiểu các thành phần tạo nên sự chăm sóc bao gồm:

  1. Con người là đối tượng chăm sóc, bao gồm cả thể chất, tinh thần niềm tin, yếu tố xã hội và kiến thức y học của mỗi cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng.
  2. Môi trường tác động lên con người bao gồm cả yếu tố bên trong của mỗi người và yếu tố bên ngoài tác động nên tình trạng sức khỏe của mỗi người.
  3. Sức khỏe: là tình trạng khỏe mạnh hoặc ốm đau mà mỗi con người trải qua.
  4. Chăm sóc là những hành động, những đặc tính và thái độ của người chăm sóc. Khi chăm sóc người bệnh, cần nhận định người bệnh và phân cấp chăm sóc, mỗi người bệnh thuộc 1 trong 3 cấp độ sau:
  • Phụ thuộc hoàn toàn: Người chăm sóc phải thực hiện các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ toàn bộ cho người bệnh

  • Phụ thuộc một phần: Người chăm sóc thực hiện các hoạt động là chính, hỗ trợ những hoạt động chăm sóc mà người bệnh không tự chăm sóc được.

  • Tự chăm sóc: Người bệnh tự chăm sóc nhưng vẫn cần sự hỗ trợ chăm sóc khi cần và họ cần được hướng dẫn, giáo dục sức khỏe để tự chăm sóc và phòng ngừa biến chứng, phòng ngừa mắc bệnh khác. 

Nội dung chăm sóc toàn diện bao gồm

  • Tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khỏe: có quy định và tổ chức các hình thức tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khỏe phù hợp.Tư vấn, giáo dục sức khỏe, hướng dẫn tự chăm sóc, theo dõi, phòng bệnh trong thời gian nằm viện và sau khi ra viện. 
  • Chăm sóc tinh thần: người bệnh cần được chăm sóc, giao tiếp với thái độ ân cần và thông cảm. Người bệnh, người nhà người bệnh được động viên yên tâm và phối hợp trong quá trình điều trị và chăm sóc. Được giải đáp kịp thời những băn khoăn, thắc mắc trong quá trình điều trị và chăm sóc. Bảo đảm an ninh, an toàn và yên tĩnh, tránh ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của người bệnh.
  • Chăm sóc vệ sinh cá nhân: Chăm sóc vệ sinh cá nhân cho người bệnh hằng ngày gồm vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể, hỗ trợ đại tiện, tiểu tiện và thay đổi đồ vải.
  • Chăm sóc dinh dưỡng: đánh giá tình trạng dinh dưỡng và nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh, chế độ nuôi dưỡng bằng chế độ ăn phù hợp với từng bệnh lý. Người bệnh cần được hỗ trợ ăn uống khi cần thiết.
  • Chăm sóc phục hồi chức năng: hướng dẫn, hỗ trợ luyện tập và phục hồi chức năng sớm để đề phòng các biến chứng và phục hồi các chức năng của cơ thể. Phối hợp Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng để đánh giá, tư vấn, hướng dẫn và thực hiện luyện tập, phục hồi chức năng cho người bệnh. 
  • Ngoài ra cần tham khảo ý kiến các chuyên gia trong từng lĩnh vực, từng mặt bệnh cụ thể để được tư vấn cũng như có từng chỉ định chăm sóc phù hợp cho từng người bệnh

Theo THT

Đặt lịch khám bệnh
Đặt lịch hẹn
Zalo
0939 979 121